Nông hộ cũng có thể làm nông nghiệp hữu cơ
Thời gian qua, một số địa phương của tỉnh Đồng Nai đang triển khai nhân rộng mô hình trồng lúa, nuôi heo hữu cơ. Điểm đặc biệt, những mô hình trên phù hợp cho sản xuất trồng trọt, chăn nuôi nông hộ, giúp tăng sức cạnh tranh, sản xuất trong nông nghiệp.
Hoạt động trên nằm trong chương trình ký kết hợp tác giữa UBND tỉnh và Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm (TP.HCM) phát triển nông nghiệp hữu cơ. Tới đây, mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sẽ tiếp tục được nhân rộng với những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.
* Hỗ trợ nông hộ sản xuất hữu cơ
Thời gian qua, Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm đã triển khai các mô hình thí điểm trồng lúa và nuôi heo hữu cơ trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, tại xã Sông Ray, H.Cẩm Mỹ, doanh nghiệp này đã hợp tác với một số hộ nông dân trồng thí điểm mô hình lúa hữu cơ với quy mô diện tích 8,5 ngàn m2, trồng giống lúa đặc sản ST24.
Bà Đoàn Thị Như, nông dân tham gia mô hình trồng lúa hữu cơ tại xã Sông Ray cho biết, tham gia mô hình thí điểm này, nông dân được Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm hỗ trợ 50% vật tư đầu vào, cử cán bộ hướng dẫn quy trình sản xuất và đảm bảo đầu ra. Nông dân sản xuất lúa theo hướng hữu cơ phải đảm bảo tiêu chuẩn 5 không: không thuốc diệt cỏ, không chất bảo quản, không thuốc bảo vệ thực vật hóa học, không dư lượng và hóa chất độc hại, không thuốc tăng trưởng.
Theo bà Như, nông dân được doanh nghiệp hướng dẫn ứng dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm, rạ chuyển đổi thành phân bón hữu cơ cũng góp phần tiết kiệm được phần nào tiền mua phân bón. Trồng lúa hữu cơ tốn công lao động, năng suất lúa có thấp hơn với canh tác truyền thống nhưng làm ra gạo có chất lượng ngon, an toàn.
“Tuy doanh nghiệp cam kết bao tiêu đầu ra nhưng người dân trong vùng trả giá cao hơn đặt mua gạo sạch rất nhiều nên tôi tự bán. Thời gian tới, tôi sẽ chuyển đổi hơn 1ha lúa còn lại sang trồng hữu cơ vì hướng sản xuất này cho lợi nhuận tốt, lại an toàn cho môi trường, nhất là bảo vệ sức khỏe cho người trực tiếp sản xuất” – bà Như nói.
Mô hình chăn nuôi heo hữu cơ được triển khai thí điểm tại H.Định Quán cũng xây dựng theo chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân. Doanh nghiệp cung cấp giống heo nái hậu bị, thức ăn chăn nuôi, tập huấn kiến thức nuôi heo hữu cơ, cử cán bộ kỹ thuật về tận nơi sản xuất hướng dẫn, hỗ trợ nông dân về quy trình, kỹ thuật. Mô hình chăn nuôi này có nhiều ưu điểm nổi bật như: chuồng nuôi sử dụng đệm lót sinh học, bên trên có hệ thống phun sương làm mát nên không gây mùi hôi, không chất thải, kiểm soát dịch bệnh tốt; heo được nghe nhạc thư giãn…
Theo ông Nguyễn Anh Tân, cán bộ kỹ thuật chăn nuôi của Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm, ông được cử về địa phương cùng ăn ở với bà con, cầm tay chỉ việc cho nông dân về kỹ thuật chăn nuôi.
Ông Tân chia sẻ: “Mô hình này phù hợp, là cơ hội cho chăn nuôi nông hộ vì con giống có một phần máu heo nội địa nên sức đề kháng cao, đẻ sai hơn, phù hợp với điều kiện chăn nuôi trong nước. Hộ chăn nuôi lại tận dụng được khoảng 30% nguồn thức ăn tại chỗ nên tiết kiệm được chi phí sản xuất”.
* Chuỗi liên kết bền vững
Các mô hình trồng lúa, nuôi heo hữu cơ trên được xây dựng theo chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ.
Chia sẻ niềm tin vào chuỗi liên kết này, ông Huỳnh Ngọc Tây, nông dân tham gia thí điểm nuôi heo hữu cơ tại xã Thanh Sơn (H.Định Quán) cho hay: “Trước khi đầu tư trại nuôi, tôi đã tham gia lớp tập huấn gần 2 tháng tại trại chăn nuôi hữu cơ do doanh nghiệp đầu tư ở TP.Huế (Thừa Thiên – Huế), trực tiếp ăn và cảm nhận miếng thịt heo hữu cơ ngon như thế nào. Sản phẩm chăn nuôi lại được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn mặt bằng chung ngoài thị trường nên tôi càng tin tưởng”.
Phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Sở NN-PTNT) Trần Hải Sơn cho biết, đây là vụ thứ 2 nông dân làm lúa theo mô hình hữu cơ. Cây lúa tăng trưởng và phát triển tốt. Sản xuất lúa hữu cơ, nông dân phải tuân thủ nhiều quy định nghiêm ngặt, không sử dụng hóa chất nên giúp môi trường sống an toàn, tạo ra sản phẩm sạch, được xây dựng theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ bền vững.
Chủ tịch Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm Nguyễn Hồng Lam khẳng định, Quế Lâm hoàn thiện được một hệ sinh thái nông nghiệp tuần hoàn tiên tiến nhất, gắn kết giữa trồng trọt, chăn nuôi, khép kín đầu vào và đầu ra. Khi tham gia quy trình sản xuất này, nông dân sẽ làm chủ được công nghệ và quy trình sản xuất.
Nguồn: Báo Đồng Nai