Bắt nhịp xu thế nông nghiệp xanh
Xu thế lựa chọn và tiêu dùng thực phẩm hiện nay của người dân là sản phẩm vừa an toàn sức khỏe, cũng vừa an toàn với môi trương sống. Đây là tiền đề cho một nền nông nghiệp xanh toàn cầu nói chung, hướng đến nông nghiệp xanh nói riêng tại Việt Nam. Do đó, phát triển nông nghiệp xanh đang dần được quan tâm và phát triển.
Một nền nông nghiệp hài hòa
Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tâm tư, trong những năm qua, nông nghiệp Việt Nam liên tục tăng trưởng, phát triển toàn diện và đạt được những thành tựu to lớn, sản lượng lương thực, thực phẩm tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng, bảo đảm nguồn cung dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Tuy nhiên, nông nghiệp trong nước vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức như diện tích đất sản xuất bị thu hẹp, nhu cầu lương thực tăng do dân số tăng, chưa quan tâm đúng mức đến phát triển bền vững, giải quyết chưa triệt để lượng tồn dư trong thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sử dụng quá mức phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, tổn thất sau thu hoạch còn cao… gây ra các rủi ro, nguy hại đối với môi trường. Chính vì vậy, hướng đi phát triển một nền nông nghiệp an toàn và bền vững luôn là mối quan tâm lớn của toàn ngành nông nghiệp.
Để có thể làm được điều này, nền nông nghiệp Việt Nam cần có sự hài hòa trong từng mắt xích sản xuất. Đó là, vừa đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng bền vững, đi đôi với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, tham gia tích cực thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời nâng cao hiệu quả, giá trị gia tăng năng lực cạnh tranh, gắn tăng trưởng xanh với thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững nông nghiệp và nông thôn.
Thêm vào đó, phát triển một nền nông nghiệp bền vững phải xuất phát từ chủ thể đầu tiên là nông dân, người sản xuất. Chính những chủ thể này lựa chọn phương thức sản xuất hiệu quả trên đồng ruộng. Cội nguồn sản xuất chính là làm kinh tế cho gia đình, từ đó mới phát triển nhiều yếu tố khác. Vì vậy, để có thể phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp hài hòa giữa các lợi ích, nhận thức và tư duy của người nông dân rất quan trọng.
Ông Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận xét, ngành nông nghiệp đặt ra mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, một trong những tiêu chí bảo vệ môi trường sống của con người và người nông dân và các hợp tác xã phải nắm rõ mục tiêu này để lựa chọn các loại vật tư nông nghiệp phù hợp sản xuất, cũng có thể bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, các hợp tác xã, nơi hội tụ nông dân và nắm bắt thông tin sản xuất cũng phải lựa chọn hướng sản xuất phù hợp với các tiêu chí an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng, có như vậy người sản xuất, nông dân mới dần thay đổi tư duy trong sản xuất, hướng đến một nền nông nghiệp xanh hài hòa.
Nhân rộng các mô hình để phát triển
Khởi đầu của nông nghiệp xanh chính là các mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, thuận theo tự nhiên để tạo sản phẩm chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, với những cách thức sản xuất trên sẽ khó cho một năng suất như mong muốn ngay từ lúc đầu, giá thành sản phẩm cũng là nỗi lo của người sản xuất, bởi giá thành cao sẽ phải bán với giá cao, đây là yêu tố khó cạnh tranh với những dòng sản phẩm nông nghiệp thông thường hiện nay, cũng vừa ảnh hưởng đến thu nhập và xoay vòng vốn phục vụ cho sản xuất.
Chính vì yêu tố này, ông Bùi Bá Bổng cho rằng, thực hiện phát triển nông nghiệp xanh phải xuất phát từ những cơ chế, chính sách, danh mục thuốc bảo vệ thực vật, vật tư đầu vào của sản xuất nông nghiệp phải đảm bảo “xanh”. Sau đó mới đến việc đầu tư sản xuất của nông dân và nhân rộng mô hình sản xuất xanh hiệu quả, khi sử dụng nguồn vật tư nông nghiệp xanh này. Đồng thời, từ phía người sản xuất phải được trang bị kiến thức và ý thức giảm thiểu sử dụng những hóa chất độc hại để thúc đẩy sản xuất như suốt thời gian dài vừa qua.
Ông Bùi Bá Bổng cũng nhấn mạnh, hiện nay cũng đã có nhiều địa phương sản xuất lúa –tôm, một trong những phương thức sản xuất xanh, an toàn cho môi trường. Cây lúa là một trong những cây phải sử dụng nhiều nước và phát thải khí nhà kinh lớn trong quá trình sinh trưởng, phát triển, chiếm 25% lượng khí thải cacbonic trong toàn ngành nông nghiệp. Vì vậy, lựa chọn sản xuất lúa xanh sẽ giúp ích nhiều trong bảo vệ môi trường sản xuất và môi trường sống.
Do đó, áp dụng các phương pháp sản xuất lúa gạo mà giảm phát thải khí nhà kính chính là một trong những giải pháp sản xuất nông nghiệp an toàn, hiệu quả. Cách thức này cũng đã được nông dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả khu vực miền Trung áp dụng nhiều năm qua, thông qua những dự án liên kết với VnSAT, từ các doanh nghiệp sản xuất vật tư nông nghiệp.
Ông Lê Quốc Phong, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần kỹ thuật vật tư nông nghiệp Bình Định cho biết, với kinh nghiệm sản xuất có từ Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, ông đã phát triển sản phẩm phân bón sử dụng trên cây lúa tại Công ty cổ phần kỹ thuật vật tư nông nghiệp Bình Định, phân phối cho cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên, giúp người sản xuất vừa sản xuất tốt vừa giúp cánh đồng, vườn cây giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong quá trình sinh trưởng đến lúc thu hoạch. Với những dòng sản phẩm này, nông dân có thể vừa đảm bảo được năng suất, chất lượng hạt lúa theo yêu cầu của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, lại vừa giúp bảo vệ môi trường sản xuất, cũng chính là bảo vệ môi trường sống xung quanh khu vực sản xuất. Nếu cả cánh đồng miền Trung và cánh đồng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đều áp dụng phương pháp sản xuất giảm thiểu phát thải khí nhà kính, sức khỏe của những người dân nơi đây sẽ được bảo vệ tốt hơn.
Như vậy, phát triển nông nghiệp xanh đã dần được khơi thông và nhân rộng, tăng dần phương thức sản xuất hữu cơ, sinh thái, sử dụng chế phẩm an toàn cho môi trường, lại vừa đảm bảo năng suất và chất lượng. Từ đó, mới có thể vừa tăng khả năng cạnh tranh, vừa giúp phát triển bền vững.
Nguồn: Báo tin tức