Làm gì để người tiêu dùng an tâm với rau an toàn?
Mặc dù có tới gần 15.000ha canh tác, nhưng Hà Nội vẫn chưa thể bảo đảm nguồn cung tại chỗ đối với các sản phẩm rau an toàn và vẫn đang phải nhập từ các nguồn khác gần 30% tổng nhu cầu về rau xanh để cung ứng cho thị trường gần 11 triệu dân.
Vấn đề làm thế nào để người tiêu dùng Thủ đô an tâm với rau an toàn đặt ra rất cấp thiết, đòi hỏi sự vào cuộc của cơ quan quản lý, doanh nghiệp, HTX và cả nông dân trồng rau cũng như các đơn vị phân phối rau đưa về thị trường Hà Nội.
Nâng cao năng lực tự đáp ứng
Thống kê của Văn phòng điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội cho thấy, Hà Nội hiện có 5.044 ha sản xuất rau an toàn, hơn 50 ha sản xuất rau hữu cơ… cùng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các mô hình này không chỉ tạo nguồn thực phẩm sạch mà còn cho hiệu quả kinh tế cao hơn từ 15 – 20% so phương thức sản xuất truyền thống, đồng thời hạn chế ô nhiễm môi trường.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, việc canh tác rau của bà con nông dân và các HTX đã và đang đi theo hướng chuẩn hóa. Nông dân trồng rau thường xuyên được cán bộ trồng trọt và bảo vệ thực vật tuyến cơ sở tập huấn, hướng dẫn cách thức chăm sóc rau theo hướng an toàn, tuân thủ theo đúng Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT quy định về phương thức bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thuỷ sản…
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương khẳng định, để phát triển được những vùng rau an toàn, chất lượng cung ứng cho thị trường Hà Nội, bên cạnh quy hoạch vùng trồng để đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong canh tác, việc tập trung thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con nông dân trong việc tuân thủ các quy định sản xuất, kinh doanh an toàn là điều rất quan trọng. Sở NN&PTNT cũng đang tích cực nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách và định mức kỹ thuật để trình UBND TP xin ý kiến của HĐND TP thông qua, nhằm hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, chất lượng.
“Ngành nông nghiệp Hà Nội thường xuyên khuyến cáo bà con sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm “3 đúng”, gồm: đúng loại thuốc, đúng loại cây trồng và đúng loại sâu bệnh; nhưng quan trọng nhất là chỉ nên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi đến ngưỡng phòng trừ. Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT cũng phối hợp cùng các địa phương tập trung tuyên truyền, khuyến khích nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, thảo mộc để nâng cao chất lượng cho rau an toàn…”, ông Phương cho biết.
Đáng chú ý, nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ mang lại giá trị cao, phát triển bền vững, Sở NN&PTNT đã tham mưu và trình UBND TP phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, mỗi năm, Hà Nội sẽ mở rộng sản xuất ít nhất 300 – 500ha cây trồng theo hướng hữu cơ. Phát triển rau theo hướng hữu cơ là một quá trình lâu dài mới cho thu hoạch nhưng hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần so với sản phẩm nông nghiệp thông thường, đồng thời nâng cao được thu nhập cho người nông dân, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Đảm bảo chuỗi liên kết vững chắc
Bên cạnh việc tăng nguồn cung rau an toàn, trong công tác giám sát an toàn chất lượng của các sản phẩm rau, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật được Sở NN&PTNT Hà Nội giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về sản xuất rau an toàn của các nông hộ. Theo đó, cán bộ thuộc các trạm thường xuyên nắm bắt thông tin cơ sở để phát hiện, ngăn chặn các trường hợp sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định trong quá trình canh tác rau.
Đồng thời, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cũng tổ chức lấy mẫu rau để đánh giá, kiểm nghiệm chất lượng thường xuyên. Trung bình mỗi năm, Chi cục lấy từ 1.000 – 2.000 mẫu rau. Kết quả đánh giá một vài năm gần đây cho thấy, tỷ lệ mẫu rau vượt ngưỡng các hợp chất không được phép còn khoảng 2%, chủ yếu là tồn dư một số hợp chất được phép sử dụng…
Về định hướng thời gian tới, đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân, ngành nông nghiệp Thủ đô sẽ tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kết nối tiêu thụ rau an toàn, phát triển các vùng sản xuất rau an toàn tập trung quy mô hơn 5.000ha. Để giải bài toán liên kết tiêu thụ, TP phấn đấu duy trì và tăng 20% chuỗi rau an toàn, nâng cao mức tiêu thụ rau an toàn qua hợp đồng, thúc đẩy sản xuất hiệu quả hơn…
Theo các chuyên gia, nhằm thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị rau an toàn và để các mắt xích trong chuỗi liên kết không bị đứt gãy do bất hòa về lợi ích, cần thường xuyên tổ chức tập huấn, nâng cao nhận thức về chuỗi giá trị cho người sản xuất, HTX…
TS Nguyễn Thị Tân Lộc, Viện Nghiên cứu rau quả (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) khuyến nghị, nhằm thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị rau an toàn, Hà Nội cần ban hành chính sách đặc thù, cụ thể, như: Hỗ trợ các chủ thể liên kết chi phí chứng nhận, bảo hộ nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, kiểm nghiệm, đăng ký mã số, mã vạch, dịch vụ tư vấn về phát triển sản phẩm, xây dựng kế hoạch kinh doanh, kết nối tiêu thụ sản phẩm; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực tổ chức sản xuất theo hợp đồng, năng lực tiếp cận hệ thống kênh phân phối hiện đại cho các đơn vị sản xuất…
Trong khi đó, đại diện Phòng Kinh tế huyện Hoài Đức đề xuất, để thúc đẩy liên kết tiêu thụ rau an toàn, nhà sản xuất, doanh nghiệp phân phối, kinh doanh cần chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền nhằm tăng niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm rau an toàn. Khi thông tin về tình hình sản xuất rau an toàn ở các vùng rau trọng điểm, việc tuyên truyền cần khách quan, có sự tham vấn về chuyên môn, tránh những thông tin lệch lạc, phóng đại. Đối với cơ quan quản lý nhà nước, cần phối hợp với cơ quan báo chí truyền thông tăng cường giới thiệu, quảng bá về các chuỗi sản xuất – tiêu thụ rau an toàn, điểm bán rau an toàn trên địa bàn TP để tăng sự tiếp cận của người tiêu dùng đối với sản phẩm rau an toàn.
Về vấn đề này, nêu thực tế tại HTX, Giám đốc HTX nông nghiệp Đông Tây Trần Văn Quân (thôn Đông Tây, xã Vân Nội, huyện Đông Anh) cho biết, HTX xã có 23ha rau với nhiều loại rau sạch như cải canh, cải ngồng, cải chít và các loại rau ăn lá khác. Sản phẩm của HTX được tiêu thụ tại bếp ăn trong khu công nghiệp, bếp ăn trường học; một lượng khác được thương lái thu mua. Tuy nhiên, sự liên kết này còn khá lỏng lẻo, nếu gặp biến cố về thiên tai, dịch bệnh thì việc tiêu thụ rau an toàn của HTX hầu như bị ngưng trệ…
Vì vậy, lãnh đạo HTX Đông Tây kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường tuyên truyền để người dân tin tưởng, sử dụng rau an toàn theo chuỗi đã được cơ quan chức năng kiểm soát chất lượng.
Một vấn đề cũng được các HTX hết sức quan tâm là bản thân các đơn vị, HTX nông sản hiện không đủ sức kiểm soát sản phẩm từ khâu sản xuất đến phân phối, vì vậy cần có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng từ khâu sản xuất đến tiêu thụ để đưa thực phẩm an toàn đến người tiêu dùng, bảo đảm không bị hàng “bẩn”, hàng nhái trà trộn.
Nguồn: vnbusiness